-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mùa thu - đông là mùa đặc biệt hanh khô ở Nhật, vì vậy trong các siêu thị, drugstore các mặt hàng kem dưỡng ẩm, son dưỡng môi của các hang được bày biện bắt mắt trên các kệ hang từ khu chuyên các dòng sản phẩm skincare đến lối xếp hang đợi tính tiền, khách hang có thể tranh thủ ngắm nghía, tiện tay chọn cho mình một sản phẩm ưng ý. Dòng sản phẩm dưỡng ẩm toàn thân cho các bạn em bé cũng có rất nhiều loại, nhiều hãng để các gia đình lựa chọn cho làn da nhạy cảm của em bé nhà mình. Trong bài viết này Japan Life & Cosmetic sẽ điểm danh 5 loại baby lotion được mẹ Nhật tin tưởng và ranking cao trong tháng 10 năm 2023 này nhé. Baby lotion được bào chế với thành phần dưỡng ẩm đặc biệt dành cho làn da nhạy cảm, dễ bị khô của em bé. Hầu hết các dòng lotion dưỡng ẩm của Nhật dành cho em bé đều là sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm cao, giúp cho làn da của bé luôn mềm mại, không có chất gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé, nên ba mẹ có thể yên tâm về các vấn đề da khi sử dụng kem ẩm cho em bé. Các mẹ sẽ lựa chọn lotion dưỡng ẩm cho bé dựa trên 6 yếu tố như sau : ① Khả năng dưỡng ẩm ② Lành tính cho da (đánh giá về các thành phần) ③ Dễ dàng thẩm thấu khi thoa lên da ④ Không gây cảm giác nhờn dính ⑤ Đầy đủ các thành phần dưỡng ẩm (đánh giá về các thành phần) ⑥ Bình chứa dễ dàng sử dụng. có thể thao tác bằng 1 tay. Làn da của em bé không chỉ là dễ khô hơn so với người lớn ! Lý do vì sao cần phải dưỡng ẩm cho làn da của em bé ? Lớp biểu bì da của em bé mỏng hơn so với da người lớn. Chức năng rào cản, bảo vệ của da chưa được hoàn thiện nên da dễ bị khô. Khi da bị khô, bong tróc, phát sinh các vấn đề về da sẽ dễ làm tổn thương, làm giảm chức năng bảo vệ của da đối với các tác nhân từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Giữ ẩm thường xuyên cho bé sẽ tăng cường chức năng bảo vệ của da, giữ cho da bé luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa mất nước và tác động của các loại vi khuẩn, virus và các tác nhân khác đối với cơ thể nhạy cảm của em bé. BÔI KEM DƯỠNG ẨM CHO BÉ BAO NHIÊU LÀ VỪA ĐỦ ? BÔI Ở ĐÂU, NGÀY BAO NHIÊU LẦN, CÁCH BÔI NHƯ THẾ NÀO ? 4 lần / ngày, cách 6 tiếng lại bôi 1 lần Mẹ nên chia các mốc thời gian trong ngày để không bị quên nhé, chẳng hạn : sáng – trưa – chiều – tối. Đặc biệt sau khi tắm xong mẹ đừng quên nha J 7 điểm trên toàn thân bé ① Mặt ②Tay phải ③Tay trái ④ Chân phải ⑤Chân trái ⑥Bụng ⑦Lưng Mỗi vị trí mẹ dùng 1 lượng lotion khoảng bằng 1 đồng xu a\là vừa đủ nhé.
Đọc tiếpNgày mới chân ướt chân ráo đến Nhật, bước vào làm việc ở các tòa cao ốc sang trọng của công ty đối tác. Mình choáng ngợp, ngưỡng mộ. Nghĩ trong đầu, uh thì Nhật mà, tư bản giàu có thì phải thế chứ. Nhưng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, thì học hỏi mở mang được nhiều thứ.. Vì đó là các tòa cao ốc, đại bản doanh của những ông lớn công nghệ mà chỉ cần nhắc tên thôi thì người VN nào cũng biết, Sony, Panasonic, Fujitsu, Toshiba trong lòng thành phố hoa lệ nên nó to, nó đẹp là đúng rồi. Ngắm nghía, quan sát nhiều, mình đã nhận ra rằng không phải chỗ nào trên nước Nhật nó cũng đẹp như những thứ mình nhìn thấy. Và nơi đó cũng có nhiều người Việt Nam mình đang hằng ngày nỗ lực, chăm chỉ làm việc. Một bài báo đọc sáng nay về TTS nước ngoài dưới cái nhìn của người Nhật. Dịch lại để hiểu sâu hơn. Và để lan tỏa đến nhiều người hơn. Có ai nhìn thấy hình ảnh của mình trong bài báo này không ? Hi vọng đọc xong mỗi người trẻ VN, đặc biệt là các bạn TTS sẽ nỗ lực, cố gắng trau dồi cho mình năng lực giao tiếp để chí ít thì sẽ làm cho cuộc sống của chính mình ngay tại đất nước này ngày càng được tốt hơn. SỰ THẬT CỦA CHẾ ĐỘ THỰC TẬP KỸ NĂNG HAY “LAO ĐỘNG NÔ LỆ” ?? - Thực tập sinh người Việt 20 tuổi : “Muốn nghỉ cũng không thể nghỉ được !” Hệ thống thực tập kỹ năng bị chỉ trích là “lao động nô lệ”, “nên được hủy bỏ” sau hàng loạt nhiều trường hợp thực tập sinh bỏ trốn ra ngoài (từ chuyên ngành của anh em trong giới hay gọi là ĐI BỘ ĐỘI ). Trước làn sóng phê phán này, một chế độ mới với tên gọi là “Tokutei Gino” - Kỹ năng đặc định lành nghề - đã được thành lập. Nhưng liệu vấn đề này có được giải quyết triệt để hay không ? Thực tế là từ sau Corona, vấn đề này ngày càng diễn biến phức tạp. Và đâu là “Sự thật phũ phàng của thực trạng thiếu hụt lao động” buộc người lao động nước ngoài phải làm những công việc nhàm chán lương thấp ? Trong bài viết này, nhà báo Akihiro Sawada sẽ mô tả cặn kẽ về các nhà máy, công xưởng nơi người nước ngoài, trong đó có thực tập sinh Việt Nam, làm việc tại Nhật Bản. NHÀ MÁY CHẾ BIẾN THỰC PHẨM CHO KONBINI NHỮNG ĐÊM KHUYA Đêm giao thừa băng chuyền cũng không dừng làm việc. 10 người đúng làm việc trên một bằng chuyền. Các khay nhựa sẽ lần lượt chạy đến. 2 người đứng đầu băng chuyền sẽ định lượng và cho mì vào khay nhựa, người thứ 3 xả mì, người thứ 4 thêm nước sốt, người thứ 5 và thứ 6 sẽ cho xúc xích đã được cắt sẵn vào khay, người thứ 7 thêm ớt chuông, người thứ 8 đậy nắp hộp, người thứ 9 dán tem, người thứ 10 đẩy sản phẩm sang làn đóng gói. Món sốt mỳ ý hoàn chỉnh sẽ được xuất xưởng và chuyển đến các cửa hàng. 10 người đứng ở băng chuyền đều là các thực tập sinh kỹ năng đến từ Việt Nam. Tôi đã hỏi một bạn TTS tên Phạm Thị Oanh (20 tuổi). Oanh là người đứng ở vị trí thứ 8 của băng chuyền. Ca làm việc của Oanh từ 8h tối đến 7h sáng. Từ 3h sáng sẽ đc nghỉ giải lao 1 tiếng và ăn cơm hộp mang theo. Oanh đến Nhật từ tháng 4 năm 2019, làm việc tại nhà máy chế biến thực phẩm tỉnh Saga. Cùng công ty với Oanh có khoảng 50 thực tập sinh khác cũng là người VN. Từ lúc bắt đầu làm việc đến nay đã được khoảng 3 năm. Vào ngày chào đón năm mới 2022, Oanh vẫn đứng làm việc trước băng chuyền chạy không ngừng nghỉ. Oanh kể về cách mọi người đón năm mới ở quê : “Đêm giao thừa mọi người đi ra ngoài đường, tiếng pháo tép , pháo hoa đùng đoàng, nghe thật vui nhộn. Vào ngày đầu năm mọi người sum họp cùng nhau, cùng ăn những món ăn ngon. Dịp tết thực tập sinh muốn nghỉ cũng không thể nghỉ được. Không thể nói chuyện được với gia đình, buồn lắm !” Nguyễn Thị Bích (27 tuổi), cũng là thực tập sinh làm việc ở nhà máy chế biến thực phẩm ở thành phố Tosu, tỉnh Saga, Nhật Bản. Thời gian làm việc từ 9h tối đến 6h sáng. Bích đến Nhật làm việc nay đã sang năm thứ 4, nhưng em vẫn tiếp tục công việc như ngày đầu đến Nhật. Nhặt những miếng xúc xích không đủ quy chuẩn ra khỏi băng chuyền và bỏ vào xô. Trong nhà máy chỉ toàn tiếng máy móc ồn ào, không thể nói chuyện với nhau, băng chuyền thì chạy liên tục không ngừng nghỉ nên mọi người chỉ thay phiên nhau đi ăn cơm và nghỉ giải lao. Và đây là câu chuyện của Bích (chắc hẳn cũng là câu chuyện chung của nhiều TTS khác tại Nhật) : “KTX cty ở 5 người một nhà. Trong KTX có 4 chiếc giường 2 tầng. Trong công việc thì không thể nói chuyện được rồi, về nhà thì chỉ toàn nói tiếng Việt, nên tiếng Nhật hoàn toàn không lên được tí nào cả. Sau khi về nước vì muốn làm việc ở công ty Nhật lương cao nên mỗi tuần 1 lần cô đến lớp học tiếng Nhật tình nguyện ở nơi sinh sống”. —----------------- CHẾ ĐỘ THỰC TẬP SINH KỸ NĂNG LÀ CÁI GÌ VẬY ??? Tính đến trước tháng 3 năm 2020 khi lệnh hạn chế nhập cư do virus corona được áp dụng, có 41 vạn 972 thực tập sinh. Tại thời điểm 5 năm trước cuối năm 2014, con số này là 16 vạn 726 người, như vậy đã tăng lên khoảng 2.5 lần Trong luật thực tập sinh kỹ năng (Pháp luật về việc thực hiện đúng quy trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài và Bảo vệ thực tập sinh kỹ năng) đã ghi rõ mục đích như thế này : “Thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng việc chuyển giao kỹ năng, công nghệ và kiến thức cho các nước đang phát triển trong khu vực thông qua đào tạo nguồn lực“ Nói một cách dễ hiểu, là chế độ với mục đích “cống hiến cho cộng đồng quốc tế” bằng cách đưa người lao động đến Nhật làm việc để học hỏi những kỹ thuật, kiến thức mà họ không thể học được trong nước, rồi sau đó quay trở về, vận dụng những điều đã học để phụng sự quê hương đất nước. Thế nhưng mà, thử hỏi với những công việc kiểu như đậy nắp cơm hộp, phân loại xúc xích thì TTS họ sẽ học được kỹ thuật gì, kiến thức gì và mang nó về áp dụng cho đất nước của họ ? Theo kết quả điều tra của JITCO năm 2017 thì có đến 50% số lượng các doanh nghiệp tiếp nhận tu nghiệp sinh là doanh nghiệp nhỏ lẻ có quy mô chưa đến 10 nhân viên, nếu bao gồm cả những doanh nghiệp có quy mô đến dưới 19 nhân viên thì con số này sẽ tăng lên 65%. Không có chuyện là sẽ nâng cao cơ hội đóng góp cho cộng đồng quốc tế, mà tôi cũng không nghĩ là các doanh nghiệp nhỏ lẻ này có đủ công sức, tiền bạc để đóng góp cộng đồng quốc tế nữa. Trong luật thực tập sinh kỹ năng có ghi rõ rằng :”Không được sử dụng thực tập sinh kỹ năng như một phương pháp để điều chỉnh sự cung cầu lao động. (Điều 3 mục 2), nhưng thực tế thì đúng là như vậy. NHỮNG CÔNG VIỆC LƯƠNG THẤP, NHÀM CHÁN ĐƯỢC DÀNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Những công xưởng làm cơm hộp vẫn làm việc suốt đêm khuya, chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy được, nhưng cuộc sống thoải mái của người Nhật sẽ không thể nào có được nếu thiếu nguồn lao động người nước ngoài ! Không hiếm gặp người nước ngoài tại combini hay các cửa hàng fastfood ở nơi đô thị nhộn nhịp, nhưng có một số lượng lớn áp đảo những người lao động nước ngoài đang làm việc tại những nơi mà chúng ta không thể thường xuyên nhìn thấy. Các phương tiện truyền thông và các học giả vẫn hay ca tụng bằng những mỹ từ nghe rất êm tai kiểu như “Sống chung với người nước ngoài”, và đây đó cũng có những ý kiến cho rằng chế độ thực tập sinh kỹ năng là “lao động nô lệ”, “nên được bãi bỏ”. Có phải chỉ một mình tôi cảm thấy cái công lý thật là nực cười và thiếu tính thực tế hay không ? Tuy nhiên, thực tế cũng có những doanh nghiệp đối xử với thực tập sinh nô lệ theo đúng nghĩa đen, những nghiệp đoàn vô trách nhiệm bàng quang làm ngơ trong khi trách nhiệm của họ là quản lý, giám sát những thực tập sinh mà họ tiếp nhận. Ngay cả khi những sản phẩm mới không được bày biện trên các kệ hàng ở conbini thì ngay lập tức cũng không có gì là khó khăn vấn đề gì lắm. Thế nhưng, những lao động nước ngoài đã tham gia sâu vào quần áo, thực phẩm, nhà ở - vốn là những yếu tố gốc rễ trong cuộc sống của người Nhật. Bãi bỏ hay không thì đó là một câu chuyện ở level khác. Trong bài viết này tôi muốn chỉ ra “Thực tế phũ phàng của tình trạng thiếu nguồn lao động”, khiến cho những công việc nhàm chán, lương thấp nghiễm nhiên trở thành công việc dành cho người nước ngoài. ĐẠI ĐA SỐ THỰC TẬP SINH LÀ NHỮNG NGƯỜI TRẺ TUỔI Ở VÙNG NÔNG THÔN Các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về những thực tập sinh phải làm việc trong môi trường tồi tệ, nhưng không phải là họ bị các công ty Nhật này tóm cổ dắt đi mà họ tự nguyện giơ tay lên để được đến Nhật. Cô gái tên Oanh mà tôi đã nói đến ở trên, sau khi tốt nghiệp cấp 3 cô đã quyết đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Nhìn các bạn bè xung quanh đi lao động ở Nhật sau mấy năm trở về xây được nhà, tiền tiết kiệm đủ để đầu tư cho sự nghiệp kinh doanh của mình, nên cô cũng muốn được như vậy. Qua mạng xã hội (Facebook), cô được biết về thế giới bên ngoài. Nếu thực sự chế độ thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản là lao động nô lệ, thì sẽ không còn ai đặt mục tiêu đến Nhật nữa.. “Bạn của tôi cũng có nhiều người đang làm việc ở Nhật. Tôi cũng muốn tiết kiệm 300 man” Sau khi trừ tiền nhà và các chi phí thuế, bảo hiểm …tiền lương 1 tháng Oanh nhận về tay khoảng 14 man. Cố gắng trang trải các chi phí sinh hoạt trong khoảng 2 man, mỗi tháng Oanh tiết kiệm được ít nhất cũng phải được 10 man. Số tiền 10 man đã tương đương ⅓ thu nhập năm làm nông nghiệp của bố mẹ cô. Nếu so sánh với Nhật thì vẫn còn là một khoảng cách chênh lệch kinh tế khá lớn. Việc tăng ca, làm đêm mặc dù là rất vất vả, nhưng rất được ưa chuộng. Oanh mới đi làm 1 năm nhưng thu nhập cũng đã vượt Bích đã làm đến năm thứ 4. Khác với Oanh từ ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã đặt mục tiêu sang Nhật lao động, Bích đã tốt nghiệp đại học ở VN và có bằng cử nhân Kế toán. Bích kể rằng cô đã dự tính sau 3 năm sẽ có thể tiết kiệm được khoảng 200 man, nhưng công việc chỉ làm ban ngày, không có tăng ca, đến năm thứ 3 mỗi tháng Bích cũng chỉ nhận về được chưa đến 10 man. Để được đi Nhật, trả cho công ty XKLD 150 man, nhưng chỉ tiết kiệm được tầm khoảng 100 man. Những người trẻ đã tốt nghiệp đại học như Bích mà sang Nhật làm TTS là hơi hiếm (chỉ khoảng 54 người trong số 570 người mà tác giả bài viết đã tìm hiểu qua một tổ chức phái cử TTS tại VN) —------------------------ THỜI GIAN LÀM VIỆC CÀNG NGẮN THÌ “ĐI BỘ ĐỘI” CÀNG NHIỀU Mục đích của phía tiếp nhận không phải là “Đóng góp cho cộng đồng quốc tế”. Luật thực tập kỹ năng cũng đã ghi rằng : Thông qua việc thực tập kỹ năng, người lao động sẽ học hỏi về kỹ thuât, công nghệ, tri thức để mang về ứng dụng trên quê hương đất nước của mình”. Nhưng thực tế nó là Lao động nhập cư. Hơn nửa số TTS đã phải vay mượn một khoản tiền rất lớn để nộp cho công ty XKLD để được sang Nhật, và họ phải hoàn trả sớm số tiền đó. Đây chính là nguyên nhân nhiều người đã bỏ trốn ra ngoài. Theo số liệu điều tra của bộ Tư pháp đối với 2870 TTS đã bỏ trốn ra ngoài năm 2018, có quá nửa trong số đó (1627 người) trước khi bỏ trốn có mức lương nhận về tay thấp dưới 10 man. Đáng chú ý là số giờ làm việc mỗi tuần. Số giờ làm việc càng nhiều thì tỉ lệ bỏ trốn càng ít. Khoảng 80% trong số TTS đã bỏ trốn có số giờ làm việc trong 1 tuần dưới 50 tiếng. Vì mục đích là đi lao động nên các công việc tăng ca, làm đêm lương cao rất được chào đón. SỨC HÚT LAO ĐỘNG CỦA NHẬT BẢN NGÀY CÀNG GIẢM ĐI 10 năm sau đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng vẫn tiếp tục thêm 20, 30 năm nữa. Theo tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD), mức lương trung bình của Nhật Bản năm 2020 đứng thứ 22 trong số 35 quốc gia (38,514 USD). Mỹ dẫn đầu thế giới, tăng 47.8% trong 30 năm, trong khi Nhật chỉ tăng 4.4 lần. Dễ hiểu hơn là so với năm 1990, mức trung bình tiền lương hàng tháng so với năm 1990 chỉ tăng 18 man. Năm 2015, nước láng giềng Hàn Quốc đã vượt qua Nhật, với mức chênh lệch ở thời điểm năm 2020 là 38man. Nhật Bản không còn là điểm thu hút lao động từ các nước Đông Nam Á nữa. HẦU HẾT TTS ĐỀU PHẢI VAY TIỀN ĐỂ ĐƯỢC SANG NHẬT Bây giờ thì không những là tiền lương thấp, mà đồng yên cũng lao dốc không phanh ! Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người lao động nước ngoài. Đồng yên so với tỉ giá VND của VN từ 214 giảm còn 165 đã làm mất 20% thu nhập của người lao động VN. Giờ thì gửi 10 man về VN cũng chỉ còn có 8man thôi @@. Vậy nên trả nợ cũng là một bài toán đau đầu đối với TTS. Và vẫn còn những “doanh nghiệp đen” ngược đãi với người lao động nước ngoài tại Nhật…. Link bài gốc : 20歳ベトナム人技能実習生は「休みたくても、休めません」と…“奴隷労働”と非難された技能実習制度のリアル (msn.com)
Đọc tiếpMỘT KHI BẠN CHẤP NHẬN ĐƯỢC “SỰ CÔ ĐỘC”, BẠN SẼ NHÌN THẤY ĐƯỢC ĐIỀU MÀ MÌNH THỰC SỰ MUỐN LÀM Người thành công không sợ sự cô độc. Người Nhật thích tâm lý đám đông. Nhật Bản có một câu thành ngữ: “出る杭は打たれる - Nghĩa là Cái cọc trồi lên sẽ bị đập xuống cho bằng những cái cọc khác”, trong một tập thể kẻ nổi bật sẽ bị những kẻ khác xa lánh, ghét bỏ. Từ hồi đi học tiểu học, mọi người cùng đeo một cái cặp giống nhau, lên trung học, phổ thông thì cùng khoác lên người một bộ đồng phục giống nhau, nếu thời trang, kiểu tóc, lời nói hành động khác với mọi người xung quanh lập tức sẽ bị chú ý, trong một tập thể cần phải hiệp lực hợp tác cùng nhau…v.v.. Cứ như vậy vô tình từ lúc nào mà chúng ta không hề biết, trong thâm tâm chúng ta đã ghi khắc rằng “hợp tác với người khác là điều quan trọng”. Hợp tác cùng với một ai đó tất nhiên là quan trọng. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, những việc chỉ có 1 cá nhân hoàn thành thường không được đánh giá cao. Bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ mang lại kết quả công việc tốt hơn, với cuộc đời thì sẽ là một cuộc đời đáng sống hơn. Tuy vậy, nếu quá xem trọng tính hợp tác thì cũng sẽ dễ bị có xu hướng sợ bị cô độc vì khác biệt với người khác. Và như thế, cố gắng hết sức có thể để không khác biệt với những người khác, dần dần chỉ muốn là những điều giống với người khác để mang lại cảm giác yên tâm. Lúc đó thì sẽ không thể nhìn thấy được mình thực sự muốn làm điều gì và không muốn làm điều gì nữa. Đến đây thì điều mà tôi khản cổ muốn nói với các bạn là: “Cô độc không có gì phải sợ !” Ngược lại, được sống một cuộc đời theo như ý của mình thì rời xa tâm lý đám đông, làm nên màu sắc riêng của mình . Lúc đó cảm giác cô độc vì mình không giống ai, không là gì cả ! CHÍNH VÌ TRONG KỲ HOÀNG KIM CỦA MẠNG XÃ HỘI (SNS), HÃY MẠNH DẠN GIỮ KHOẢNG CÁCH. Thời đại bây giờ là thời đại của mạng xã hội. Nhiều người có nhu cầu “được kết nối với ai đó”, “được ai đó thừa nhận”. Trong số đó, có thể nhìn thấy rằng họ cũng rất sợ cô độc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải dừng lại một phút để tự ngẫm : việc lúc nào cũng kết nối với ai đó có thực sự quan trọng hay không ? Việc kết nối với hàng trăm, hàng nghìn người trên mạng xã hội thì có điểm gì là tốt ? Hai năm nay tôi chưa cập mạng SNS của mình. Hẳn là những người bạn cũ đôi khi sẽ thắc mắc “Người bạn đó bây giờ như thế nào rồi.” Tuy nhiên, khi số người kết nối nhiều lên, nếu điều đó trở thành một điều hiển nhiên bình thường thì vô tình cơ hội bạn sẽ hay tự so sánh mình với người khác rồi cảm thấy chán nản, ganh ghét đố kỵ với những thứ người khác có mà mình không có cũng dần tăng lên. Nhưng những thứ xung quanh nhiều những tạp âm, và cũng đầy những điều mà để sống thì biết cũng được mà không biết cũng được. Như vậy thì chẳng thà tránh xa mạng xã hội, dành thời gian đó để tự ngẫm và khám phá ra những điều bên trong bản thân chính mình thì có phải tốt hơn không ? Bằng việc tĩnh tâm để khám phá những nội tâm bên trong của chính mình, chúng ta sẽ nghe được tiếng nói từ sâu trong tim mình. Từ đó ta sẽ chỉ làm điều mà mình thực sự mong muốn. Thế nhưng, nghich cảnh là con người thì ai cũng có mong muốn “được người khác yêu thích”, “không muốn bị người khác ghét”, nên cái cảm giác này thật là phiền phức. Muốn được người khác yêu thích thì trước hết mình hãy tự yêu thương bản thân mình trước. Trong kinh doanh, một trong những bí quyết thành công chính là được người khác yêu quý, hoặc tạo ra được lượng fan hâm mộ của mình. Tuy vậy, cho dù là người được yêu quý như thế nào đi nữa thì trong 100 người thì cũng không có chuyện là mình sẽ được cả 100 người yêu thích. Kể cả khi nghĩ rằng muốn được một ai đó cụ thể thích thì tôi cho rằng đó là một điều ích kỷ. Tạo sao lại như vậy, bạn hãy thử suy nghĩ về ý kiến phản biện của việc này : “Vì tôi thích như vậy nên bạn cũng hãy thích điều mà tôi thích đi”. Tóm lại, đó là sự cho đi và nhận lại. Có một cách nói hơi nghịch lý, nếu muốn được người khác yêu thích thì cũng đừng nên nghĩ là “tôi nên được yêu thích”, mà tự chính bản thân mình hay yêu thương mình trước cái đã. Không phải là “cho đi và nhận lại” mà là “Cho đi và cho đi”, tóm lại là đối với người mình thích thì cho đi tình yêu thương mà không cần sự đáp trả. Chính sự cho đi tình yêu thương chân thành, từ phía đối phương cũng sẽ tin tưởng, kết quả là chúng ta sẽ có được những người đi theo ủng hộ mình.
Đọc tiếpĐiểm thứ 2 mình tâm đắc trong cuốn sách này, đó là : NHỮNG CÁI GỌI LÀ “MỤC TIÊU” THÌ KHÔNG CẦN THIẾT ĐỐI VỚI CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI. Thực sự thì tiêu đề này ban đầu đã khiến mình phải hát bài hát "Hoang mang" của Hồ Quỳnh Hương :D Cái gì mà mục tiêu là không cần thiết ?? Xưa nay ai cũng cần phải đặt ra mục tiêu để mình phấn đấu, không lớn thì nhỏ. Vì cái đầu mục “gây sốc” này nên đã thôi thúc mình đọc tiếp phần sau của cuốn sách. Phần trước: HÃY THÔI ĐỂ Ý ĐẾN CÁI NHÌN CỦA NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH VÀ NHỮNG LỐI SUY NGHĨ THÔNG THƯỜNG ️ 🎯“Mục tiêu” sẽ làm cho suy nghĩ trở nên tiêu cực. Với bản thân mình thì công nhận là hơi đúng :)) Ở các công ty, cứ đầu mỗi năm tài chính sẽ lập kế hoạch, mục tiêu gọi là “Kế hoạch kinh doanh”, và dựa theo đó sẽ tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở nước Nhật 80 thậm chí 90% những người lao động (người làm công ăn lương) hầu như ai cũng nghĩ rằng cho dù là cá nhân cũng phải lập kế hoạch mục tiêu cho bản thân mình từng năm một. Một năm là tính từ ngày đầu năm mới 1/1, và cũng không ít người viết “Mục tiêu của một năm” ở trang đầu tiên của cuốn sổ tay. Lúc còn nhỏ hẳn là cũng có người trong chúng ta viết kế hoạch dự định của mình cho năm mới trong bài tập nghỉ đông đúng không nào. Quả thực đúng là mục tiêu là quan trọng. Tuy nhiên, nếu quá bị trói buộc vào mục tiêu thì sẽ dễ bị rơi vào cảm giác bị cưỡng ép kiểu “không muốn làm nhưng vẫn phải làm”. Chẳng hạn như khi viết vào sổ tay mục tiêu của năm nay là một ngày gập bụng 50 lần, khi nhìn thấy điều đó thì sẽ dễ bị cảm giác nghĩa vụ là “hôm nay cũng phải làm”, giả sử nếu có ngày nào mà chưa thể làm được thì lại tự dằn vặt bản thân kiểu “hôm nay mình chưa thể hoàn thành mục tiêu của ngày hôm nay rồi.” KHI ĐỔI “MỤC TIÊU” THÀNH “KỲ VỌNG” THÌ SẼ CÓ ĐỘNG LỰC HƠN Chẳng hạn như nếu nói về chuyện của tôi, tôi đang nghĩ lúc nào đó muốn xuất bản mỗi quyển sách 1 triệu bản. Tuy nhiên nếu nói mục tiêu là một triệu bản sẽ dễ bị sinh ra cảm giác nghĩa vụ phải làm, dễ bị mất động lực. Bằng cách thay đổi cách nói đó thành “ Tôi kỳ vọng sẽ được 1 triệu bản” thì cảm giác sẽ nhẹ nhõm hơn. Với ví dụ về việc luyện tập cơ bụng, không phải đặt mục tiêu là “mỗi ngày gập bụng 50 lần” , mà thử hình dung về trạng thái, cảm xúc của mình khi đạt được mục tiêu chẳng hạn như bạn muốn có một thân hình quyến rũ ở bãi biển nơi mình sẽ đi du lịch, hoặc body chuẩn để mặc một bộ vest ôm sát người. Như vậy, thay mục tiêu bằng kỳ vọng thì sẽ có động lực “gập bụng mỗi ngày 50 lần”. Chỉ bằng việc thay đổi cách gọi thôi nhưng cảm xúc của con người sẽ tăng lên, và thực sự sẽ nhìn thấy rõ ràng được “việc muốn làm” và “việc không muốn làm”. TỰ MÌNH LÀM VIỆC NHÀ THÌ SẼ CHỈ ĐẶT RA MỤC TIÊU THU NHẬP MỖI THÁNG CÙNG LẮM LÀ 50 MAN Lý do thực sự mà những người thành công không muốn làm việc nhà Những người thành công thường hay có một từ khóa, câu cửa miệng là “Nếu thu nhập hàng tháng trên 50 man thì hãy thuê người giúp việc” Lúc còn là một salary man (người làm công ăn lương), khi nghe đến điều này, tôi cũng đã có suy nghĩ rất quyết tâm rằng “lúc nào đó tôi sẽ làm như thế! “, nhưng đến khi đã có thể kiếm được 50 man mỗi tháng tôi cũng chưa thể thuê được người giúp việc nhà. Thế nhưng mà, các công việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đổ rác ..hàng ngày cũng chiếm kha khá thời gian hơn tôi nghĩ. Cọ rửa nhà tắm, rửa chén bát, là quần áo, những công việc nhà lặt vặt cũng không ít lần chiếm hết cả ngày nghỉ của tôi. Vì vậy tôi đã thử tìm hiểu về việc này. Nếu nhờ qua trung tâm giới thiệu việc làm, có thể thuê 1 giờ với giá khoảng 1000 yên, 2 giờ chỉ tầm khoảng 2000 yên. 1 tuần thuê 1 lần thì 1 tháng cũng chỉ mất có 8000 yên. Ví dụ, lương theo giờ của một người có thu nhập 50 man thì 1 ngày là 2 man, nếu làm việc 10 giờ thì lương theo giờ là 2000 yên / giờ. Vậy nên, cho dù có thuê người giúp việc với giá 1000 yên thì chẳng những là sẽ không bị âm đi, mà thời gian đó bạn có thể làm một công việc khác, bạn vẫn còn lại 1000 yên. Hẳn là sẽ có người sẽ nghĩ, đó chỉ là một phép tính đơn giản thôi, còn thực tế cuộc sống nó có đơn giản như thế đâu ! Tất nhiên tôi cũng có cái lý do của tôi nên tôi mới tán thành quan điểm này. Thực tế, tôi có thể nhanh chóng chuyển sang làm công việc thư ký, nhưng tôi đã phải mất 3 năm sau mới quyết định thuê một người giúp việc kể cả khi thu nhập của tôi đã vượt quá 50 man. Tôi đã thuê người giúp việc vì đã có thời điểm công việc quá bận bịu và tôi không thể nào có thời gian để làm việc nhà nữa. Vì vậy, cứ khi nào cần thì tôi lại thuê người làm việc nhà, nhưng khi đã một lần thuê người làm rồi thì tôi đã nghĩ, tại sao mình lại không thuê sớm hơn, khỏe cả chân tay lẫn tinh thần. Và như vậy, tôi đã sử dụng thời gian đó để làm việc, học những thứ có ích cho bản thân, hoặc đi du lịch cùng bạn bè, tôi đã sử dụng thời gian hiệu quả lên gấp nhiều lần. ƯU TIÊN THỜI GIAN HƠN TIỀN BẠC SẼ TRỞ THÀNH NGƯỜI GIÀU CÓ Nếu dùng thời gian của mình để làm việc nhà thì có lẽ là sẽ không phải trả tiền cho ai cả, nhưng, trong khoản thời gian đó chúng ta sẽ không tạo ra được thu nhập. Và “Những người giàu có thực sự, khi cân nhắc giữa thời gian và tiền bạc thì họ sẽ có khuynh hướng ưu tiên thời gian hơn”. Ví dụ, trường hợp sử dụng taxi hay là đi bộ về nhà trong khoảng cách 15 phút đi bộ thì người giàu sẽ chọn cách là trèo lên taxi và ngồi trên taxi để làm việc. Không phải là vì họ dư dả tiền bạc mà chọn cách sử dụng taxi để về nhà thay vì đi bộ. Những người thành công thường luôn suy nghĩ rằng “sử dụng tiền vào việc gì để tiền lại tăng lên”, hoặc là “làm sao để sử dụng số tiền đã tăng lên đó để tăng thêm thời gian của mình”. Thay đổi câu chuyện đi một chút xíu, những người ở tỉnh lên thành phố khi tìm chỗ sinh sống, thì điều mọi người thường nghĩ đến trước tiên là tiền thuê nhà. Khi mua nhà riêng cũng vậy, nhiều người cũng sẽ chú trọng đến giá cả hơn. Tuy nhiên, từ khi lên thành phố tìm việc làm, tôi luôn cố gắng tìm nơi mà mình sẽ ở càng gần nơi làm việc càng tốt, chẳng hạn như Nishi Shinjuku, Shibaura, Roppongi. Nếu được thì thời gian di chuyển đến chỗ làm cần gần về zero càng tốt. Ở đây tôi sẽ nói rõ hơn vì sao lại như vậy. Thời gian di chuyển là thời gian bị lãng phí. Không gì khác ngoài sự lãng phí cả. Thời gian từ nhà ra đến ga, từ ga đến văn phòng, thời gian và những stress khi phải chen lấn trên một chiếc xe điện chật ních người. Đối với tôi, thời gian này chính là “Một trong những điều không muốn làm.”, cho dù đối với nhiều người khác thì đây không hẳn là một trong số những điều không muốn làm. Có lẽ là việc giảm bớt tiền thuê nhà mới là điều quan trọng hơn. Tuy nhiên, “với suy nghĩ rằng, mình có thể làm gì để mỗi giờ mỗi phút trôi qua đều trở nên quan trọng cho bản thân mình, mới là điều quan trọng nhất.” Câu chuyện đã chệch hướng từ chuyện làm việc nhà, nhưng nếu bạn là một người không giỏi làm việc nhà, và rất ghét làm việc nhà thì ngay bây giờ bạn hãy sử dụng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ngay đi. Cho dù bạn trả tiền dọn dẹp nhà cửa hết 1000 yên, nhưng nếu bạn sử dụng một cách hiệu quả thời gian đó để làm việc hoặc đi chơi thì cuộc đời sẽ vui và thú vị lên gấp 100 lần KHÔNG BÁN THỜI GIAN QUAN TRỌNG CỦA MÌNH VÌ CHA MẸ HOẶC NGƯỜI KHÁC Cho dù mình đang có thứ mà người khác mơ ước nhưng nếu nó không có giá trị gì với mình thì hãy buông bỏ. Khi còn đang học đại học tôi đã thi đỗ chứng chỉ kiểm toán CPA - và tôi đã làm việc tại trụ sở công ty kiểm toán của tập đoàn kiểm toán quốc tế Deloitte Touche Tohmatsu. Từ những người xung quanh nhìn vào thì quả là tôi đang có một con đường công danh sự nghiệp rộng mở. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng nghỉ việc chỉ sau 3 năm để khởi nghiệp. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người vào công ty sau tôi, ai cũng bảo “Vất vả lắm mới vào làm việc ở tại một tập đoàn cấp cao như thế mà lại bỏ ngang, thật là lãng phí! “ Tôi vẫn còn nhớ, trong đó ngay cả bố mẹ tôi, khi tôi thi đỗ chứng chỉ kiểm toán quốc tế PCA thì bố mẹ cũng đã rất vui mừng cho tôi, và bảo rằng tôi hãy cứ tiếp tục làm việc cả đời với công việc đó là tốt nhất, cho nên khi nghe tôi nói sẽ nghỉ việc ở công ty thì bố mẹ đã rất đau khổ, thất vọng. Nhưng mà, thật tốt là tôi đã nghỉ việc ở công ty. Đến bây giờ tận đáy lòng tôi vẫn nghĩ như vậy. Từ việc này, như bạn đã thấy quan điểm giá trị của người khác và quan điểm giá trị của bản thân mình là khác nhau, ngay cả khi đó là bố mẹ của chúng ta. Nói cách khác, cho dù điều mình đang có là điều mà người đang mơ ước, khát khao đi chăng nữa nếu nó không có ý nghĩa gì với mình thì hãy buông bỏ đi không cần nghĩ ngợi nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế thì có rất nhiều người đang làm những việc mà bản thân mình không hề muốn chỉ bởi nó đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ và những người xung quanh mình. À không, tôi còn nhận thấy có nhiều người thậm chí còn không để ý đến điều đó nữa, họ vẫn cứ than thở cuộc đời trong sự phẫn nộ, buồn chán, bế tắc. Cho dù được ai đó thừa nhận đi chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Cứ tiếp tục làm những việc mà bản thân mình không muốn làm chỉ để cho vừa vặn với những quy chuẩn của xã hội và của người khác thì chỉ là một sự lãng phí đối với cuộc đời chính mình. Nếu điều mọi người muốn làm là điều mà bản thân mình cũng muốn làm thì không cần phải do dự chần chừ gì nữa. Nhưng làm điều mà bản thân mình không muốn làm vì cha mẹ hay vì những bình phẩm, đánh giá của những người xung quanh thì thật là sai lầm. Không phải là sống một cuộc đời với mục tiêu “được ai đó thừa nhận”, mà phải có những tiêu chuẩn của chính bản thân mình. Để làm được điều đó, bạn hãy kiên định rằng “Người khác có nghĩ gì, nghĩ như thế nào thì cũng không liên quan đến mình”. Một khi đã có được thế mạnh đó rồi thì điều kỳ diệu là người luôn cổ vũ, ủng hộ bạn sẽ xuất hiện. Vậy thì làm thế nào để có được thế mạnh. Tôi sẽ giới thiệu với bạn phương pháp đó. Mời các bạn theo dõi ở phần tiếp theo của cuốn sách này nhé. PHẦN TIẾP : Người thành công không sợ sự cô độc
Đọc tiếpHÃY THÔI ĐỂ Ý ĐẾN CÁI NHÌN CỦA NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH VÀ NHỮNG LỐI SUY NGHĨ THÔNG THƯỜNG, TẶC LƯỠI CHO QUA RỒI TIẾP TỤC LÀM NHỮNG ĐIỀU MÌNH KHÔNG MUỐN ! Từ nhỏ mình đã chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng cố hữu thông thường. Mình làm gì cũng phải nhìn trước nhìn sau, nhìn trong nhìn ngoài. Cho đến khi tôi đọc cuốn sách này - cuốn sách về Phát triển bản thân của Kanagawa Akinori, tôi nhận ra, ah hóa ra không hẳn như vậy là đúng. Hãy thôi để ý đến cái nhìn của những người xung quanh. Những suy nghĩ thường thức mà xưa nay ai cũng nghĩ là đương nhiên bây giờ nó không hẳn là còn đúng nữa. Lập kế hoạch - điều này đã trở nên lỗi thời rồi. Người Nhật rất thích lập kế hoạch. Trong khi vẫn còn gật gù đồng ý về những điều vừa học được trong cuốn PDCA thì sang cái ông này ổng lại phản bác cái rầm rằng PDCA đã trở nên lỗi thời ! What !!! Nà ní 🤨🤨 Vòng lặp PDCA rất quen thuộc đối với người Nhật nói chung và các businessman nói riêng. Đây chính là cái cốt lõi khi thực hiện hiện công việc hay một dự án. Lập kế hoạch là điều bắt buộc cần phải có. Nhưng, ngày nay nó đã trở nên lỗi thời ! "PDCA” là viết tắt của 4 chữ cái đầu: P = Plan (kế hoạch), D = Do (thực hiện), C = Check (kiểm tra, đánh giá), A = Act (điều chỉnh). Thực hiện theo đúng quy trình này được xem là rất tốt để thực hiện bất kỳ một công việc hay một dự án nào đó, công việc luôn được quản lý, kiểm tra, thực hiện và cải tiến, vì vậy chất lượng sẽ được nâng lên không ngừng. Nhưng cũng chính vì vậy, các hoạt động của chúng ta sẽ dần bị bó buộc trong quy trình này. Thực tế là nhiều người có khuynh hướng tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc lập kế hoạch tỉ mỉ, tỉ mỉ đến mức không biết nên bắt đầu hành động từ đâu. Nói rõ hơn, trong thực tế có những việc dù mình có lên kế hoạch rất kỹ lưỡng đi chăng nữa thì vẫn có thể xảy ra vấn đề hoặc những việc ngoài dự tính, khi tình hình thay đổi thì cũng không thể thực hiện theo đúng kế hoạch được nữa. Nếu cứ lại sửa kế hoạch, thì sẽ mãi chẳng bao giờ đến được đích cả. Vậy nên, lập kế hoạch kỹ lưỡng cũng chẳng mấy có ý nghĩa gì cả. Nếu là một kế hoạch làm cản trở chúng ta hành động thì tốt nhất hãy vứt nó đi Đó là điều mà tôi vẫn hay nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách này, nếu có thời gian rảnh mà ngồi lập ra một kế hoạch tỉ mỉ chi tiết thì trước hết hãy hành động đi. Cho dù bạn có lập được một kế hoạch hoàn hảo đến đâu, cho dù kế hoạch đó có xuất sắc đến mấy đi chăng nữa, nếu bạn không hành động thì sẽ không ra kết quả. Nếu không ra kết quả thì cũng chẳng có gì mà kiểm tra, đánh giá, và cũng chẳng có gì để mà cải tiến. Tóm lại là, HÀNH ĐỘNG MỚI CHÍNH LÀ KHỞI NGUỒN CỦA MỌI THỨ. Vì vậy, cái mà tôi đang đề xướng và thực hiện là “iOIF”. Đây là từ viết tắt của các chữ cái đầu「i = small input, O = Output, I = Input, F = Feedback」. Khi đã nạp được những tri thức cần thiết tối thiểu, thì hãy bắt đầu ngay và luôn. Trong quá trình đó, nếu có điểm nào còn thiếu thì lại input, đến cuối cùng lại nhìn lại một lượt quá trình nỗ lực của mình. Ở đây, phần “kế hoạch” không được đưa vào. Tôi không có ý định phủ nhận việc lập kế hoạch. Tôi có mong muốn đạt được mục tiêu như thế này sau vài năm, và tôi đã lập nên một kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn truyền tải ở đây là : hiện đang có quá nhiều người vẫn đang còn mãi mắc kẹt với việc lập một kế hoạch quá chi tiết mà không chuyển mình để bắt tay vào hành động. Nếu đã mất công mất sức dồn thời gian để lập kế hoạch mà mãi không thể thực hiện được thì tốt nhất là hãy ngừng lập kế hoạch đi, hành động sớm hơn người khác một bước, nỗ lực hướng thẳng đến mục tiêu thì hơn. Bạn có thường hay đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng không ? Tôi nghĩ rằng việc đọc hướng dẫn này chỉ làm tốn thời gian mà thôi ! Chẳng hạn như khi mua một chiếc máy ảnh, một chiếc điện thoại, hoặc máy tính hay một thiết bị điện gia dụng nào đó, thay vì bỏ thời gian ngồi đọc hết quyển catalogue hướng dẫn sử dụng thì trước hết chúng ta hãy ấn nút khởi động lên cái đã. Cũng có người người khi mua một món đồ điện gia dụng mới anh ấy cũng tỉ mẩn ngồi đọc hết các tờ hướng dẫn sử dụng. Tôi nghĩ đây thực sự là một việc làm lãng phí thời gian. Bởi vì thực tế hầu hết mọi người đâu cần đọc hướng dẫn sử dụng ngay đâu, cứ thử khởi động lên và cứ thế sử dụng thôi. Thử khởi động lên, nếu nó có thể chạy trơn tru thì cho dù có vài điểm không hiểu thì trong khi thử ấn nút, nghịch thử chức năng này, chức năng kia… thì tự nhiên sẽ dần biết cách sử dụng. Chỉ khi dù làm thế nào cũng không hiểu được, muốn khám phá thêm vài điều nữa thì lúc đó hãy mở hướng dẫn sử dụng, hay tra cứu trên internet ...Tôi nghĩ như vậy. CHO DÙ KHÔNG TUÂN THEO CHU TRÌNH PDCA THÌ CUỘC ĐỜI CỦA CHÚNG TA VẪN SUÔN SẺ TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC. Người Việt mình hay nói với nhau rằng, cho dù thế nào thì ông Trời ổng cũng sẽ chừa lại cho chúng ta một con đường sống. Ý nói cứ lạc quan tin tưởng vào tương lai và nỗ lực hành động thôi. Khi mua một sản phẩm thì chúng ta cũng đã biết trước được tối thiểu là sản phẩm này sử dụng như thế nào, nút khởi động nằm ở đâu. Với lý thuyết [i O I F] thì sẽ là như thế này. [Bật nút nguồn] = i (small input) [Trước hết hãy thử sử dụng xem sao] = O (Output) [Thử dùng thêm tí nữa, chỉ những chỗ không hiểu thì mới đọc đến hướng dẫn sử dụng hoặc tra cứu internet = I (Input) [Dần có thể sử dụng được nhiều hơn] = F (Feedback) Tất nhiên, nếu bạn thuộc nhóm những người “thích đọc hướng dẫn sử dụng” tôi cũng không có ý nói rằng thôi đừng đọc. Tuy vậy, trên hướng dẫn sử dụng thường viết rất nhiều thông tin không cần thiết. Do đó không cần thiết phải bỏ công ra ngồi đọc, và hầu như không có ai đọc. Tương tự với điều này, chúng ta không cần phải làm quá tỉ mỉ cẩn thận ở phần lên kế hoạch như P trong PDCA - cái được ví như việc đọc hướng dẫn sử dụng, thì mọi việc cũng có thể tiến hành trơn tru được, và thực tế đúng là như vậy. Lúc nào bí quá xoay mãi không ra thì “Đọc lại hướng dẫn sử dụng”, “Tra Google”, hay đi hỏi người khác thì cũng không sao. Có lẽ sẽ có người sẽ phản bác lại rằng : “Nói thì nói như vậy thôi chứ kế hoạch kinh doanh của cả một công ty, plan của một dự án thì không thể nói một cách dễ dàng như vậy được! “ Thế nhưng, có đầy những người cho dù lập kế hoạch rất tỉ mỉ cho công ty hay những kế hoạch công việc cuối cùng cũng không thực hiện theo đúng kế hoạch đấy thôi. Tốt hơn hết, chúng ta nên có một vài phương án backup, để có thể linh hoạt ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp. Từ lúc này đây bạn hãy vứt bỏ cái quan niệm cố hữu vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người từ trước đến nay : “Nếu không bám sát vào PDCA thì cuộc đời chúng ta sẽ không thể suôn sẻ được.” TỪ BÂY GIỜ HÃY TỪ BỎ NGAY CÁI GỌI LÀ “SỰ CHUẨN BỊ HOÀN HẢO” “Hành động tức thì” quan trọng hơn “Sự chuẩn bị hoàn hảo” Từ thuở bé chúng ta luôn thường xuyên bị bố mẹ, thầy cô hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần cái câu “Con đã chuẩn bị xong chưa ?” Kết quả là quan niệm cố hữu “Cho dù làm việc gi thì trước tiên cũng cần phải chuẩn bị” đã in đậm trong tâm thức của chúng ta, đến khi bị thất bại thì lại bị giáo huấn: “đấy, nguyên nhân là không chuẩn bị đầy đủ đó thôi !” Tuy nhiên, có thực sự việc chuẩn bị không đủ là nguyên nhân không ? Ví dụ chẳng hạn như chuyện bạn chuẩn bị thật cẩn thận, chu đáo cho chuyến dã ngoại từ vài ngày trước đó. Bạn cân nhắc đầy đủ các tình huống, bị côn trùng cắn đốt thì thế nào, giữa đường trời bỗng đổ mưa thì làm thế nào, đang đi mà bỗng dưng thấy khó chịu thì làm thế nào, bạn đã chuẩn bị đầy đủ túi nôn, thuốc hạ sốt, thuốc chống buồn nôn, urgo, áo mưa …. Thế nhưng, đến ngày khởi hành thì thời tiết xấu nên buổi dã ngoại đành bị hoãn lại. Vậy thì việc chuẩn bị không đầy đủ có phải là nguyên nhân hay không ? Với cái kiểu như vậy thì cho dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng thế này là đã hoàn hảo 100%. Và cho dù có chuẩn bị hoàn hảo đến đâu đi chăng nữa thì kiểu gì cũng sẽ xảy ra những điều ngoài dự kiến. Vậy thì chúng ta hãy thử vứt bỏ cái suy nghĩ “Sự chuẩn bị hoàn hảo” đi xem thế nào. Chuẩn bị kỹ càng quá thì chỉ có mất thời gian vô ích thôi. Công việc hay học tập cũng đều giống nhau. Ví dụ, nếu muốn thực hành luyện tập tiếng Anh thì sau khi học được một ít hãy cứ mạnh dạn ra nước ngoài sống một thời gian thay vì đi học ở trung tâm tiếng Anh mất 1,2 năm. Sinh sống ở nước bản địa và được tắm trong môi trường tiếng Anh thì chẳng mấy chốc sẽ nhanh chóng sử dụng được lưu loát tiếng Anh tự nhiên của người bản xứ. Trong công việc, nếu muốn nắm vững được các kỹ năng bán hàng thì sau khi được dạy một ít về các quy tắc hãy nhanh chóng ra trận, chiến đấu lăn lộn với khách hàng thì chẳng mấy chốc sẽ thuần thục ngay thôi. Trong công ty dù có đào tạo nhập vai (role playing) cho nhân viên bao nhiêu lần đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không có được những kỹ năng bán hàng thực tếnếu không được cọ xát va chạm với những tình huống thực tế trong công việc. Vì sao lại như vậy, đó là vì trong học tập hay công việc cũng đều sẽ có thể phát sinh những tình huống vượt quá dự đoán thông thường của bạn. Chuẩn bị kỹ càng quá mức là một sự lãng phí thời gian. Trước hết hãy bắt đầu hành động đi đã. NGƯỜI LÀM ĐƯỢC LÀ NGƯỜI XEM NHẸ PHẦN ĐẦU VÀO (Input) Cho dù có input bao nhiêu đi nữa thì thế nào cũng sẽ quên hết mà thôi. Có một thuyết gọi là “Đường cong lãng quên” đã được đưa ra trong kết quả thực nghiệm của nhà tâm lý học người Đức tên là Hermann Ebbinghaus. Thuyết này đã chỉ ra rằng con người sẽ quên đi 50% những điều đã học sau 20 phút. Không cần đến mức là 20 phút, nếu bị hỏi bữa tối hôm kia bạn đã ăn gì thì có mấy người trả lời ngay lập tức được ? Có mấy người sẽ trả lời được ngay tên của người mà mình đã gặp trong buổi họp làm việc ngày hôm kia ? Tôi nghĩ là hầu như không có ai. Như vậy, con người là một sinh vật dễ lãng quên. Có một quyển sách tham khảo tên là Target 1900 từ vựng tiếng Anh. Hẳn là có nhiều người sử dụng quyển này để ôn thi tiếng Anh, nhưng liệu chúng ta có thể nhớ được bao nhiêu từ trong số đó. Nếu không phải là người dùng tiếng Anh thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày thì chắc hẳn sẽ quên dần đi gần hết. Theo cách làm này thì cho dù mình có tiêu tốn bao nhiêu thời gian để học để nhớ đi chăng nữa thì qua thời gian dần dần sẽ về zero mà thôi. Dù có tốn thời gian và đổ mồ hôi bỏ công bỏ sức ra để đưa vào đầu thì dần dần qua thời gian cũng sẽ bị quay trở lại trạng thái như trước khi học mà thôi. CÁI OUTPUT - ĐẦU RA MỚI CÓ ÍCH CHO CUỘC ĐỜI CỦA CHÚNG TA Mọi người kể cả khi đã đi làm rồi cũng bỏ nhiều thời gian và tiền bạc cho sách, các buổi seminar, buổi training nội bộ trong công ty để học nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, trong số những điều đã học này, có bao nhiêu điều đã được ứng dụng, sử dụng vào trong cuộc sống, công việc. Chắc hẳn là trải nghiệm thực tế để nắm vững, thất bại để tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân thì đọng lại trong ký ức hơn là việc chỉ input và để vào trong đầu. Những người liên tục tăng thành tích kinh doanh của mình bằng cách triệt để lắng nghe câu chuyện của đối tác, họ nắm rất rõ cách để lắng nghe câu chuyện của đối tác như thế nào, những người bị chậm giờ hẹn 5 phút và bị đối tác nổi giận thì kể từ đó trở đi họ sẽ không bao giờ muộn nữa. Đương nhiên là những input đầu vào để nắm được kiến thức tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, khi đã có một số input đầu vào rồi thì sau đó chỉ là đầu ra thôi (=hành động). Cách sử dụng thời gian, tiền bạc cũng giống như vậy. Nên tối thiểu hóa thời gian và tiền bạc cho phần input (đầu vào), sau đó thì đầu tư thời gian và tiền bạc cho những cái kết nối với toàn bộ output (đầu ra). Cách làm cụ thể của output và cách suy nghĩ liên quan đến thời gian, tiền bạc tôi sẽ nói rõ hơn ở những phần sau của cuốn sách này, nhưng chúng ta cần nhớ rằng những điều học được ở đầu ra luôn có sự kết nối với điều mình đã học được ở input - đầu vào về mặt ý nghĩa. Phần tiếp : Những cái gọi là mục tiêu thì không thực sự cần thiết với con người
Đọc tiếpCuộc sống này vốn dĩ là không công bằng. Nhưng cho dù có xảy ra điều không công bằng với mình đi chăng nữa thì than thở hay bất mãn cũng chẳng có ích gì. Tuy vậy trong thực tế thì cái sự bất mãn, than thở tự dưng trên cửa miệng của chúng ta mà thốt ra thôi. Cũng có khi những cơn giận được dịp trỗi dậy chỉ vì chúng ta không kìm nén được sự bất mãn. Ví dụ, để không bị trễ giờ hẹn, bạn đã quyết định đi taxi để đến chỗ hẹn được nhanh hơn, nhưng không may là người tài xế taxi bị nhầm đường, bạn sẽ cư xử như thế nào ? Hầu hết mọi người đều nghĩ “Thôi thì chuyện ngoài ý muốn, đành vậy chứ biết làm sao”. Nhưng cũng có những người sẽ tỏ thái độ giận dữ kiểu, “Tôi vội nên đã bỏ tiền đi taxi rồi vậy mà …!!!”, “Hãy trả lại tiền taxi cho tôi đi !!”. Đó là những người dễ nổi nóng. Khi tôi nhìn thấy những người như vậy, tôi đã nghĩ như thế này: ”Nếu mà nổi giận thì có giải quyết được gì không ?” Cho dù có lớn tiếng quát tháo đi chăng nữa thì thời gian cũng không thể quay lại như ban đầu, tình hình cũng không thể nào thay đổi được. Còn chưa kể, trước khi đến điểm đích cần đến mà cứ quát tháo nổi giận như vậy thì tài xế taxi sẽ bị lay động bởi cơn giận dữ của khách hàng lại lái nhầm đường, có thể vì run sợ lại gây ra tai nạn nữa. Nếu tôi mà rơi vào tình huống như vậy thì tôi sẽ nhanh chóng tra Google map rồi chỉ đường cho tài xế taxi (cười) Càng giận dữ thì mình chỉ càng thiệt thân mà thôi Thế giới này luôn tồn tại những điều phiền toái, và cũng lắm lúc tự dưng nó lại rơi vào chúng ta mà không hề báo trước. Những lúc đó cho dù ta có chỉ trích, bình phẩm, hay than thở thì cũng chẳng thể thay đổi được gì. Cho dù có cố làm gì thì cũng chỉ tốn thời gian thôi, chẳng mang lại được cái gì cả. Như ở ví dụ trường hợp đi taxi, nếu là “vì gấp nên đã trèo lên taxi, vậy mà ông tài xế lại đi nhầm đường” thì thay vì ưu tiên nên làm thế nào để đến được điểm cần đến nhanh nhất, thì lại đi chỉ trích đối phương, như vậy là quên đi cái mục đích ban đầu. Vốn dĩ thì những người hay đi chỉ trích, nói xấu người khác thì sẽ chỉ làm phát sinh năng lượng tiêu cực, và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần họ nữa. Cảm xúc giận dữ cho dù là 1 milimet thôi thì cũng không cần thiết Khi tôi còn học cấp 3, tôi làm thêm ở một quán mì Soba. Lúc đó vì nhầm lẫn tôi đã mang nhầm Soba thành Udon, ông khách tầm khoảng 50 tuổi vẻ mặt đỏ bừng hầm hầm giận dữ quát : “Tao muốn ăn soba, không phải Udon, đừng có giỡn mặt !” Tất nhiên, tôi nhầm lẫn thì tôi sai rồi, nhưng lúc đó tôi đã có một suy nghĩ mạnh mẽ rằng, tôi không muốn trở thành kiểu người lớn mà chỉ vì bát mì soba có vài trăm yên mà để mặc cho cơn giận chế ngự cảm xúc của mình rồi quát tháo giận dữ như vậy. Vụ việc ở chỗ làm thêm là một ví dụ, xung quanh tôi có khá nhiều người dễ nổi nóng, và có nhiều điều phiền toái đã xảy ra kèm theo cơn giận dữ, do vậy, tôi cũng đã dần dần nhận ra được rằng sau những cơn giận thì cũng chẳng thể mang lại được điều gì tốt đẹp cả. Và bây giờ tự bản thân tôi cũng đã có thể kiềm chế được những cơn giận của mình, tôi đã trở thành người hầu như chẳng mấy khi giận dữ. “Thôi không sao, vậy cũng được !” là câu thần chú làm dịu đi cơn giận. Việc phó mặc hết cho cảm xúc để xả cơn giận của mình thì chỉ nhìn bên ngoài thôi cũng thấy là không thông minh rồi. Nói đúng hơn là trông rất trẻ con. Nếu vậy thì làm thế nào để không bị cảm xúc chi phối ? Ở đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn một bí quyết để không nổi giận mà tôi đang áp dụng. Khi có một sự việc có vẻ sẽ gây xúc động xảy ra, tôi sẽ nói: “thôi không sao, vậy cũng được”, và tôi tĩnh tâm lại. Thực ra thì hầu như những phiền phức xảy ra xung quanh bạn chẳng có gì to tát cả. Bằng chứng là bây giờ bạn vẫn khỏe mạnh và ngồi đọc cuốn sách của tôi đấy thôi. Cả những phiền phức mà khi nó xảy ra, bạn đã thốt lên rằng, “Điều này thật là ngoài sức tưởng tượng, tôi phải làm sao đây ?”, bằng cách nào đó bạn cũng đã xoay sở được và đã có bạn của hiện tại đây này. Vì vậy, kể cả khi bạn đang giận dữ điên tiết đến mức dựng của tóc gáy thì hãy đọc câu thần chú “Thôi không sao, vậy cũng được !”, và không có chuyện gì xảy ra nữa. Cảm xúc giận dữ là điều rất kỳ lạ, hoàn toàn không có chuyện cứ quát tháo lên là xong hết mọi chuyện. Thậm chí, quát tháo sẽ càng làm cơn giận tăng thêm, không thể nào chế ngự được. Và một khi bạn đã bật công tắc của cơn giận lên thì có muốn bình tĩnh lại cũng khó lòng mà bình tĩnh được. Vì vậy, bằng cách đọc câu thần chú “Thôi không sao, vậy cũng được!”, bạn sẽ có thể ấn nút tắt cơn giận dữ. Như vậy, thật kỳ diệu là chúng ta sẽ bình tâm lại và nhìn thấy rõ ràng được mình nên làm gì tiếp theo. Giận dữ cũng giống như việc bạn tiêu hao năng lượng của mình một cách lãng phí. Nên "cứ hít một hơi thật sâu, thở ra một hơi thật đầy", mọi phiền toái trong cuộc sống này cũng sẽ nhẹ trôi mà thôi ! (Trích dịch từ cuốn イヤなことは死んでもやるな - Tác giả Kanagawa Akinori)
Đọc tiếp