-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
HÃY TỰ TRẢ LỜI 9 CÂU HỎI NÀY TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG MỘT LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
26/06/2025
Japan Life & Cosmetic
Trong bối cảnh thị trường tràn ngập hàng giả, hàng nhái, để tìm được một sản phẩm chính hãng, chuẩn chất lượng đúng nghĩa thực sự là một thử thách.
Là một người tìm hiểu chuyên sâu về các loại dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nội địa Nhật, mình cũng thường research để hiểu rõ về từng loại. Trong khi tìm kiếm thì mình đọc được tài liệu này của Ban An toàn Thực phẩm – Cục Y dược và Thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (厚生労働省医薬食品局食品安全部).
Bài viết của mình không phải để anti TPCN, mà mong muốn mọi người hiểu đúng, không thần thánh hóa, không quá tin vào quảng cáo.
TRƯỚC KHI CÂN NHẮC DÙNG MỘT LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TỰ BẢN THÂN MÌNH HÃY ĐẶT RA VÀ TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU :
Q1- CỨ SẢN PHẨM CÓ NGUỒN GỐC TỪ TỰ NHIÊN LÀ AN TOÀN ?
Nhiều người hay nghĩ rằng cứ cái gì có nguồn gốc từ thiên nhiên là an toàn.
Nhưng thực tế, ở Nhật họ luôn khuyến cáo:
Với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, cần cẩn trọng xem xét kỹ khả năng gây dị ứng và mức độ chất lượng.
Những điều cần lưu ý với sản phẩm thiên nhiên:
Chưa có bằng chứng nào khẳng định sản phẩm thiên nhiên vượt trội về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm tổng hợp.
Dễ gây dị ứng ở một số cơ địa nhạy cảm.
Chất lượng không ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi vùng sản xuất, mùa vụ, thời tiết…
Chứa nhiều thành phần phụ không được công bố đầy đủ.
Có thể còn lẫn tạp chất hoặc chất gây hại nếu chưa được xử lý triệt để.
Q2 - THỰC PHẨM CHỨC NĂNG CÓ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC BỆNH KHÔNG ?
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không thể dùng để điều trị bệnh.
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng rằng thực phẩm chức năng có thể chữa khỏi bệnh.
Đặc biệt, người đang mắc bệnh khi tự ý dùng thực phẩm chức năng sẽ gặp phải các rủi ro:
Bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời
(Chỉ dựa vào thực phẩm chức năng mà không đi khám → bệnh dễ trở nặng)
Tương tác với thuốc đang sử dụng
(Có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe)
Tốn kém chi phí không cần thiết
(Ngoài tiền chữa bệnh, còn tốn thêm tiền mua thực phẩm chức năng)
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, nhất là khi đang có bệnh lý.
Trước đây mình cũng từng được bác sỹ chẩn đoán thiếu máu (貧血) và đã phải uống thuốc theo chỉ định để ổn định chỉ số.
Nhân tiện lúc đó, mình có hỏi bác sỹ liệu có cần mua thêm TPCN bổ trợ không thì họ bảo không cần.
Nếu muốn dùng phải xong đợt điều trị, báo lại bác sỹ để kiểm soát tương tác.
Ở Nhật, họ luôn khuyến cáo:
Không tự ý dùng thực phẩm chức năng thay thế thuốc.
Nếu muốn dùng song song phải báo bác sỹ.
Không được quá tin vào quảng cáo mà bỏ trị liệu chính thống.
Q3 – ĐỪNG QUÁ TIN VÀO LỜI GIỚI THIỆU CỦA MỘT CHUYÊN GIA, NHÀ NGHIÊN CỨU, HAY MỘT NGƯỜI NỔI TIẾNG NÀO ĐÓ!
Dù là chuyên gia, ý kiến của một cá nhân cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định chất lượng hay hiệu quả thực sự của sản phẩm.
Quy định đối với các loại TPCN luôn nhấn mạnh rằng :
Cần có đánh giá khách quan từ nhiều chuyên gia độc lập khác nhau, chứ không nên tin tuyệt đối vào lời giới thiệu của một người.
Ngoài ra, những thông tin như:
“Có bằng sáng chế”, “Đạt giải thưởng”
Hay bài viết trên báo chí, truyền thông đại chúng
… không phản ánh trực tiếp hiệu quả thực sự của sản phẩm khi sử dụng trên cơ thể người.
Q4 – VÌ THẤY NHIỀU NGƯỜI REVIEW TỐT, TRUYỀN MIỆNG NHAU NÊN TÔI CŨNG THỬ DÙNG !
Những câu chuyện kiểu:
“Tôi uống cái này thấy khỏi hẳn”
“Tôi dùng cái kia giảm hẳn 5kg”
… chỉ là cảm nhận cá nhân, không phải là bằng chứng khoa học.
Các tài liệu y tế và an toàn thực phẩm của Nhật Bản luôn nhấn mạnh:
Trải nghiệm thực tế của người này không đồng nghĩa sẽ hiệu quả với người khác.
Thậm chí, có khả năng là review dàn dựng từ chính doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm.
Q5- VÌ ĐA THỬ NGHIỆM HIỆU QUẢ TRÊN TẾ BÀO, ĐỘNG VẬT NÊN CÓ THỂ KỲ VỌNG HIỆU QUẢ TƯƠNG TỰ TRÊN NGƯỜI ?
Không thể!
Cơ chế tiêu hóa, hấp thu và độ nhạy cảm của con người khác với động vật, nên kết quả nghiên cứu trên động vật không thể coi là hiệu quả chắc chắn cho con người.
Muốn xác nhận hiệu quả thật sự trên người cần:
Thử nghiệm lâm sàng trực tiếp trên người
Xác định lượng thành phần thực sự được cơ thể hấp thu
Đo nồng độ thành phần tồn tại trong máu (theo lượng và thời gian)
Q6 - CỨ SẢN PHẨM CÓ THÀNH PHẦN HOẠT TÍNH THÌ CHẮC CHẮN CÓ TÁC DỤNG ?
Không hẳn vậy!
Hiện nay, nhiều sản phẩm quảng cáo kiểu:
“Thành phần này đã được chứng minh hiệu quả, nên sản phẩm này cũng chắc chắn tốt!”
Nhưng thực tế không đơn giản như thế.
Cần hiểu rằng “thông tin về thành phần” và “thông tin về sản phẩm” là hai chuyện khác nhau.
Q7- THÀNH PHẦN HOẠT TÍNH CÀNG CÔ ĐẶC SẼ CÀNG HIỆU QUẢ HƠN ?
Không phải lúc nào cũng vậy!
Nhiều người cho rằng:
“Càng cô đặc thành phần hoạt tính thì càng tốt, càng hiệu quả!”
Nhưng thực tế, việc cô đặc thành phần chưa chắc làm tăng hiệu quả cho cơ thể.
Ngược lại, nếu dùng quá liều hoặc không phù hợp với thể trạng có thể gây phản tác dụng hoặc tác dụng phụ.
Cơ thể con người chỉ hấp thu được một lượng nhất định trong mỗi lần sử dụng.
Dù cô đặc nhiều nhưng nếu vượt quá khả năng hấp thu, phần dư thừa cũng bị đào thải.
Nồng độ quá cao có thể gây kích ứng hoặc tác dụng phụ đối với những người nhạy cảm, người bệnh nền, người già hoặc trẻ em.
Tương tác với các thành phần khác trong sản phẩm cũng có thể làm giảm hiệu quả mong muốn hoặc sinh phản ứng không mong muốn.
Q8 - TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN TUỔI KHÓ HẤP THU ĐẦY ĐỦ DINH DƯỠNG TỪ BỮA ĂN, NÊN CẦN BỔ SUNG TPCN ?
Không nên tự ý bổ sung TPCN nếu chưa thật sự cần thiết
Đúng là trẻ em và người cao tuổi thường hấp thu dinh dưỡng kém hơn người trưởng thành khỏe mạnh.
Nhưng không có nghĩa là phải dùng thêm TPCN để bù lại.
Ưu tiên số 1 vẫn là điều chỉnh chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng và phù hợp với từng độ tuổi, tình trạng sức khỏe.
Q9 - CÓ THỂ COI VIỆC CƠ THỂ TẠM THỜI MỆT MỎI LÀ DẤU HIỆU SẢN PHẨM ĐANG PHÁT HUY TÁC DỤNG ?
Sai nha.
Lý do là
Cơ thể có thể phản ứng với thành phần mới hoặc không phù hợp, dẫn đến cảm giác khó chịu, mệt mỏi, dị ứng hoặc tác dụng phụ.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo sản phẩm không phù hợp hoặc gây tác hại cho sức khỏe.
Trên đây là những thông tin mình đúc kết được từ tài liệu chính thức của Bộ Y tế Nhật và trải nghiệm thực tế.
Hy vọng bài viết giúp mọi người tỉnh táo hơn khi tiếp cận thông tin về thực phẩm chức năng, tránh rơi vào cái b.ẫ.y quảng cáo thổi phồng, bảo vệ sức khỏe và tài chính của chính mình.
Đây là link tài liệu gốc tiếng Nhật cho bạn nào cần nhé