Trà đạo Nhật Bản - Trang 3

Trà đạo Nhật Bản

Hồng treo gió Nhật Bản - 干し柿

Hồng treo gió Nhật Bản - 干し柿

Thứ Hai, 08/11/2021
Japan Life & Cosmetic

Ngoài lá đỏ thì đặc sản mùa thu ở nước Nhật qua “lăng kính ẩm thực” của tớ là những quả hồng to ngọt giòn sật sật ăn hoài không chán :D và chiếc ban công với những dây hồng treo xinh xắn. Hồng ở Nhật có nhiều loại, loại có hạt và loại không có hạt. Hồng tươi rất giòn và ngọt, mua thu được bán rất nhiều ở siêu thị. Còn loại hồng chín rộ vàng ươm trên cây mà không có ai hái chính là hồng chát - Shibukaki, loại này tuy chín vàng nhưng có vị chát không ăn được nên người Nhật thường gọt vỏ rồi treo phơi gió. Mùa thu ở Nhật gió và nắng nhiều, thời tiết hanh khô, sau 1-2 tuần vị chát sẽ dần mất đi, thay vào đó là vị ngọt tự nhiên, nhâm nhi với 1 cốc trà thì chẹp chẹp…. Thật tuyệt vời :)  Đây là mẻ hồng treo gió thứ 2 trong đời của tớ các bạn ạ :) Mẻ đầu tiên là mẻ thử nghiệm năm ngoái, làm thử có đâu mỗi chục quả. Thành phẩm ngon quá, ăn xong lại thòm thèm nên quyết tâm năm nay chơi lớn :D  Công tác chuẩn bị. Đầu tiên là mò vào Mericuri để tìm đối tác =)). Ôi đến mùa các bạn đăng bán nhiều thật. Loạn hết cả mắt. Cuối cùng mình cũng đã chọn được đối tác vàng để gửi gắm. Order hẳn 15 cân các cậu ạ. Ngày hôm sau thì hồng được giao tới. Từ Nagano gửi lên Tokyo mà nhanh như 1 cơn gió.  Bình thường thứ 7 thì cũng tưng bừng nhảy múa, trẩy hội bàn đào lắm. Mà nay Mị chỉ nhảy nửa ngày :D, còn lại ở nhà làm cô Tấm gọt cho hết 15 cân hồng này 😂 Ôi những lúc này thật nhớ má và các cô em gái quá đi :D. Như ngày xưa ở nhà mà có vụ như này là mấy mẹ con xúm lại vừa gọt, vừa buôn chuyện rôm rả, mỗi người một tay nhoắng cái là xong. Nay có mỗi một mình, nhìn cái thùng hồng mà rớt nước mắt các ông ạ 😅😅😅. Buổi tối sau khi ăn uống dọn dẹp xong thì tớ bắt đầu công việc. Vừa xem HƯƠNG VỊ TÌNH THÂN và gọt hồng. Nói không điêu chứ gọt xong thùng hồng tớ xem hết chục tập phim các bạn ạ. Hồng phơi thì nên chọn quả nhỏ vừa phải thì phơi sẽ nhanh khô;. Gọt để lại cuống để treo lên.  Cả nhà đang say giấc nồng. Gọt vỏ xong nhìn 4 rổ hồng ú ụ mà oải quá. Mà giờ bỏ lại đi ngủ là xem như xong đi vứt, mai bận không thể để sang ngày mai mà tiếp được. Thế là lại tiếp. Nhúng qua nước sôi. Xong 1 lượt lại nhúng qua rượu trắng. Các tiên nhân chỉ dạy rằng phải dùng nước sôi mà không dùng nước lã vì để tránh cho hồng không bị mốc. Nhúng rượu trắng 1 lượt cũng có tác dụng khử trùng và đượm vị cho quả hồng sau khi phơi.    Giờ đến đoạn cột cuống hồng vào dây treo. Tốn thêm chục tập phim nữa các ông ạ :D Cuối cùng cũng xong. Nhìn cái thành quả của mình mà vui quá.  Sáng bê ra phơi đứng ngắm, tối bê vào nhà bật quạt lại đứng ngắm, hihi.    Ngày đầu tiên   Mình phơi đến ngày thứ 3 thì mưa to nên phải để trong nhà và bật quạt cả ngày. Cũng khá lo lắng, nhỡ đâu mốc thì toi công;. Thấy mọi người làm cũng fail nhiều nên mình mua thêm 1 chai cồn (loại cồn xịt khử trùng tay) và đem nhúng từng dây hồng vào bát cồn, sau đó lại treo tiếp lên. Đến hôm sau thì lại mang ra phơi tiếp.   Ngày thứ 2   Mình nhận thấy là hồng sau khi nhúng lại qua cồn thì lớp bên ngoài săn lại rất nhanh và đảm bảo không bị mốc, hỏng.   Buổi tối mang vào nhà bật quạt liên tục   Mình chọn quả hồng bé nên khá là nhanh khô các bạn ạ. Đến ngày thứ 5 thì vừa phơi hồng, ngắm nghía tưới cây ngoài ban công, lại nhón một quả cho vào mồm :D. ngon và ngọt lắm hihi.   Ngày thứ 4 (tranh thủ phơi thêm ít dưa cải để muối :D)   Về phần matxa quả hồng. Mình thử nghiệm 2 nhóm. Một nhóm matxa, còn một nhóm thì không. Cá nhân mình thích ăn mấy quả bên nhóm không matxa nắn bóp vì vẫn còn giữ lại múi bên trong quả hồng, khi ăn cảm giác sật sật vui miệng:D. Nhóm bên được matxa thì ruột quả dẻo mềm, ăn cũng rất ngon.    Thành phẩm ngày thứ 5, đã bắt đầu nhâm nhi được rồi.   Các bạn có phương pháp làm hay thì cùng share cho tớ với nhé. Biết đâu lại mua thêm chục cân nữa về thử nghiệm phương pháp mới hihi💛

Đọc tiếp
Nghi thức uống trà trong Trà Đạo Nhật Bản

Nghi thức uống trà trong Trà Đạo Nhật Bản

Thứ Sáu, 27/08/2021
Japan Life & Cosmetic

Đặc trưng làm nên nét văn hóa đăc sắc của Trà Đạo Nhật Bản chính là sự tỉ mỉ, cẩn thận và chỉn chủ từng bước. Trong đó, các bước uống cốc trà cũng phải tuân thủ đúng quy cách uống của Trà đạo nói chung và theo từng trường phái nói riêng.   Trong một buổi trà đạo truyền thống, đầu tiên trà đặc (Koicha) sẽ được chuẩn bị trước. Tất cả khách sẽ uống chung môt chén trà. Mỗi người khách, bắt đầu từ người khách quan trọng nhất, sẽ được chiêm ngưỡng chén trà. Mỗi người sẽ nhìn mặt trước của chén trà, sau đó xoay 90 độ theo chiều kim đồng hồ trước khi uống. Trước khi uống mỗi người sẽ cúi đầu chào để thể hiện sự cảm tạ đối với chủ nhà và xin phép người bên cạnh để thưởng thức 1 chén trà ngon. Chén trà sẽ được chuyển 1 vòng đến người khách cuối cùng và mỗi lần đều lặp lại nghi thức như vậy. Sau đó người chủ nhà sẽ rửa sạch dụng cụ uống trà và chuẩn bị cho tuần trà loãng (Usucha). Có lẽ do trong thời đại mới này người ta kỵ uống chung cốc, nên các buổi trà chỉ thấy có phần uống trà loãng. Đây là phần khá hại não đối với mình , ngồi ăn cơm cũng cầm cái chén cơm tập mãi vẫn bị sai vài bước =))     Trước khi uống trà khách sẽ được chuẩn bị mỗi người một chiếc bánh ngọt nhỏ kiểu Nhật, gọi là Wagashi – 和菓子. Đây được xem là bữa ăn nhẹ lót dạ trước khi uống trà, đồ ăn ngọt vừa có tác dụng giúp làm tăng hương vị khi thưởng trà, vừa đề phòng khách đang bụng rỗng mà uống trà vào sẽ không tốt cho dạ dày  . (Chi tiết về cách ăn Wagashi sẽ được nói ở phần sau). Quy trình uống Usucha cũng khá tỉ mỉ qua từng bước một. 1. Đầu tiên, khách sẽ lấy chén trà đang được đặt ở bên ngoài mép chiếu bằng tay phải, ngón cái giữ phần miệng chén, 4 ngón còn lại đặt bên dưới chén trà vào mang vào bên trong mép chiếu về phía mình. Vị trí ngồi là từ hàng chiếu thứ 16 tính từ mép chiếu (khoảng 24 cm) 2. Cúi chào người bên cạnh, tỏ ý xin phép để mình uống trước 3. Xếp 2 tay trước đầu gối cúi chào người pha trà. Otemae chodai Itashimasu (お点前頂戴致します。) 4. Cầm ngang chén trà bằng tay phải rồi đặt lên tay trái 5. Đặt tay phải lên chén trà, ngón cái hướng về phía mình 6. Nâng chén trà lên bằng hai tay thể hiện sự cảm tạ 7. Vẫn để chén trà lên tay trái, dùng tay phải để xoay chén trà 2 lần 90 độ theo chiều kim đồng hồ   8. Khi đã xoay được dc mặt chính của chén trà về phía trước thì cầm chén trà bằng tay phải nâng lên uống. Có thể uống từng ngụm nhỏ vừa phải, nhưng chú ý không đc phát ra tiếng, sẽ tạo cảm giác hèn thấp, không tao nhã (Gehin-下品). Cuối cùng uống hết phần bọt trà, phát ra tiếng “Suttt”. Điều này cũng có ý nghĩa giúp người chủ nhà biết là khách đã uống xong. 9. Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ vuốt nhẹ từ trái sang phải để lau sạch chỗ miệng chén vừa uống 10. Lau tay vào giấy Kaishi (懐紙) 11. Lại xoay 2 lần 90 độ để trả mặt chính của chén trà về vị trí ban đầu 12. Cầm chén trà bằng tay phải, đặt ra bên ngoài mép chiếu. 13. Xếp 2 tay trước gối cúi chào cảm tạ (Phùuuu.. ) Cuối buổi trà sẽ là thời gian chủ và khách cùng đàm đạo về chawan và cảm tạ chủ nhà vì bữa trà ngon, không gian đẹp… Có hại não không các bạn :D Nếu có cùng niềm yêu thích thì bạn thử bày biện vài thứ đơn đơn giản để uống trà ngay trong không gian nhà mình nhé. Tranh thu đợt giãn cách xã hội để sống chậm lại một chút. Biết đâu lại tìm thấy niềm vui tiềm ẩn :)   

Đọc tiếp
Các trường phái trong Trà Đạo Nhật Bản

Các trường phái trong Trà Đạo Nhật Bản

Thứ Hai, 23/08/2021
Japan Life & Cosmetic

Nhiều trường phái Trà đạo đã ra đời, tiêu biểu là “San senke” – hậu duệ của Sen no Rikyu千利休bao gồm 3 trường phái chính là “Urasenke 裏千家”, “Omote senke表千家, Murashoko senke武者小路千家” , vẫn được mọi người yêu thích đến ngày nay.   Có vài sự khác biệt giữa các trường phái. Chẳng hạn như Urasenke裏千家 thì thích đồ của những người thợ thủ công nổi tiếng, và đánh bông toàn bộ bọt trà lên. Trong khi đó Omotesenke 表千家 thì chuộng những đồ dùng đơn giản bình thường hơn, và thường hay để lại 1 phần không được đánh bọt ở giữa bát trà   Các Lễ nghi trong Trà Đạo Trong Trà đạo có rất nhiều quy tắc và lễ nghi cần phải tuân theo đối với cả người chủ nhà và khách tham dự buổi trà. Thường thì một buổi trà đạo kéo dài khoản vài giờ đồng hồ, bao gồm của 1 bữa nhẹ truyền thống của Nhật Bản gọi là Kaiseki 懐石. Ngày nay thì bữa nhẹ này được tối giản hoá, thay bằng một chiếc bánh ngọt kiểu nhật 和菓子được làm đẹp mắt với các hình mô phỏng hoa anh đào, hoặc một chú chim công … Trong các dịp chính thức chủ nhà thường mặc Kimono (hoặc hakama), và khách cũng sẽ mặc Kimono hoặc âu phục.   Dụng cụ, đồ dùng trong một buổi Trà 茶器 – Hộp đựng trà Có 2 loại : loại hộp dùng để đựng trà đặc 濃茶 thường là bằng sứ cao cấp. Chaire từ ngày xưa đã được người uống trà sử dụng và bảo quản một cách cẩn thận. Chaire茶入 được phân biệt rõ đồ Tàu (Karamono) hay đồ Nhật (Wamono) tuỳ theo nguồn gốc xuất xứ. Chaire được bọc trong một chiếc túi bằng gấm hoặc thổ cẩm, gọi là Shifuku仕覆, trong buổi trà Shikufu cũng được bàn luận, đánh giá. Usuchaki薄茶器dùng để đựng trà loãng 薄茶 thì được làm bằng tre hoặc gỗ sơn mài với nhiều chủng loại và hình dáng phong phú, tiêu biểu như 棗(なつめ), 金輪時(きんりんじ),中次(なかつぎ)雪吹(ふぶき)…   茶杓(ちゃしゃく)- Muỗng xúc trà Chashaku là dụng cụ để múc trà từ Chaire hoặc Natsume vào trong chén trà Chawan. Chủ yếu được làm bằng tre. Cũng có loại được làm từ ngà voi hoặc gỗ thông, anh đào, mơ…Chashaku thường được đặt trong một ống tre và có khắc chữ, thể hiện bản sắc, tính cách của người chủ nhà. Chashaku cũng là một dụng cụ rất được chú trọng trong các dụng cụ Trà đạo     Người Nhật uống trà trong chén trà, gọi là Chawan 茶碗  Có sự phân biệt rõ các loại Chawan tuỳ theo nguồn gốc xuất xứ : Karamono (xuất xứ từ Trung Quốc), Kourai (xuất xứ từ bán đảo Triều Tiên), Wamono (sản xuất trong nội địa nước Nhật). Trong mỗi loại cũng được phân loại chi tiết. Khi dùng cho trà đặc Koicha thì phải dùng loại chén trà không có hoa văn. Chawan có hoa văn trang trí được dùng cho trà loãng Usucha. Hình dạng của chén trà cũng có sự thay đổi theo mùa. Ví dụ mua đông lạnh thì chén trà cao, miệng chén nhỏ để giữ cho trà được nóng lâu hơn. Mùa hè thì dùng những chén trà có dạng miệng loe rộng và thấp.    Nếu bạn muốn thử trải nghiệm một lớp trà đạo ở Nhật, có thể vào google search từ khóa ”茶道学校" sẽ ra website của các lớp học Trà đạo ở thành phố bạn sinh sống. Thường sẽ có một buổi học thử miễn phí cho học viên.  Ở một số công viên ở Nhật cũng có một góc dành cho du khách vãng lai trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này của Nhật Bản. Mình nhớ thì hình như một lần tham gia là 500 yên. Bạn nào hay bị tê chân vì ngồi lâu thì nên cân nhắc hihi :D 

Đọc tiếp
Tìm hiểu về Trà Đạo Nhật Bản

Tìm hiểu về Trà Đạo Nhật Bản

Thứ Năm, 19/08/2021
Japan Life & Cosmetic

Nói đến đất nước Nhật Bản, điều làm chúng ta nghĩ ngay đến đầu tiên chính là một văn hóa truyền thống đặc sắc và phong phú về ẩm thực, tín ngưỡng. Trà (お茶) cũng là một phần văn hoá rất quan trọng của Nhật Bản, các nghi lễ đi kèm với trà là một trong 3 nghệ thuật tinh hoa cổ điển của xứ Phù Tang này. Mình cũng là đứa rất yêu thích và quan tâm tìm hiểu về nền văn hóa này. Mình đã may mắn có dịp được tham gia trải nghiệm với lớp Nhập Môn Trà đạo 3 tháng để được hiểu rõ hơn về nét văn hóa truyền thống đặc sắc này. Trà Đạo trong tiếng Nhật được gọi là Sado(茶道) hay Chanoyu(茶の湯). Các nghi thức trong một buổi trà đạo khá tối giản, nhưng các bước và các động tác đòi hỏi phải được thực hiện một cách chính xác – nên nó không hề dễ dàng. Có rất nhiều quy định về cách pha trà (trước buổi trà), cách uống trà, cách ngồi chính toạ (Seiza), cách cúi chào, cách đứng, cách đi, gọi chung là các nghi thức giao tiếp. Lễ nghi này thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà, tạo nên chén trà ngon, từ phía người khách sẽ cảm nhận được sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà và được thưởng thức chén trà ngon. Người chuẩn bị cho một buổi trà (chủ nhà) gọi là Teishu(亭主). Mất khoảng vài năm để trở thành một Teishu lão luyện.     Lịch sử Nghệ thuật Trà đạo có một quá trình lịch sử lâu dài ở Nhật Bản. Đồ uống này bắt nguồn từ Trung Quốc từ thế kỷ 8, nhưng trong một thời gian dài hầu như chỉ có tầng lớp quý tộc mới được uống trà. Bởi vì Trà rất có giá trị và quý hiếm nên người Nhật đã chăm chút rất kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị và thưởng thức. Trong thời kỳ 鎌倉Kamakura (1185-1333) khi thiền đạo được truyền bá rộng rãi khắp Nhật Bản, cách uống trà cũng thay đổi. Người Nhật bắt đầu nghiền trà xanh thì bột và đánh bông nó lên, uống những lá trà thực sự. Giống như cách chúng ta uống matcha ngày nay.   Trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, ban đầu nó được sử dụng chủ yếu là cây thuốc. Qua thời gian trà xanh tốt cho sức khoẻ được sử dụng rộng rãi và bắt đầu lan rộng từ các đền thờ đến tầng lớp chiến binh (Samurai), những người thường xuyên tổ chức các buổi tiệc trà. Trong thời kỳ 室町Muromachi (1392-1491) , đồ gốm sứ từ Trung Quốc, gọi là “唐物Karamono” được chào bán và nó được sử dụng rộng rãi trong các buổi tiệc trà, sau đó Murata Juko (1423-1502) đã sáng lập nên trường phái thưởng trà sử dụng các dụng cụ Trà đạo được sản xuất ngay tại bản địa nước Nhật, gọi là “和物Wamono”, xem trọng sự giao lưu tinh thần giữa chủ nhà và khách, gọi là わび茶(Wabi cha), Trà thất, dụng cụ uống trà cũng được dần thay đổi từ kiểu hào nhoáng, lộng lẫy sang phong cách giản dị, tôn trọng tâm linh. Sau đó Takeno Joo đã kế thừa tinh thần đó, và đệ tử của ông là Sen No rikyu(千利休) đã hoàn thành Wabicha và thời kỳ 安土桃山 Azuchi Momoyama (1573-1603). Đó là nền tảng của Trà đạo “Sado”, “Chanoyu” ngày nay.  

Đọc tiếp
Zalo Zalo Messenger Messenger Gọi ngay